Mời bạn tham khảo bài viết về FTA, nội dung và các loại hình của FTA.
FTA là gì?
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là kết quả chính thức của một quá trình thương lượng giữa hai hay nhiều quốc gia ký kết nhằm hạ thấp hoặc loại hẳn các rào cản đối với thương mại. Một FTA thường bao gồm những vấn đề quy định về thuế nhập khẩu, hạn ngạch và lệ phí đối với hàng hóa/dịch vụ được giao dịch giữa các thành viên ký kết FTA nhằm cho phép các nước mở rộng tiếp cận thị trường của nhau.
Cho tới nay đã có rất nhiều các tổ chức và quốc gia khác nhau đưa ra các khái niệm về FTA cho riêng mình. Điều này thể hiện những quan điểm khác nhau về FTA cũng như sự phát triển đa dạng của các quốc gia. Tuy nhiên theo cách hiểu chung nhất, FTA là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm mặt hàng nào đó bằng việc cắt giảm thuế quan, có các quy định tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên. Ngày nay, FTA còn có cả các nội dung mới xúc tiến và tự do hóa đầu tư, chuyển giao công nghệ, lao động, môi trường…
Nội dung chính của FTA gồm những gì?
Một FTA thông thường bao gồm những nội dung chính sau:
- Thứ nhất là quy định về việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
- Thứ hai là quy định danh mục mặt hàng đưa vào cắt giảm thuế quan. Thông lệ áp dụng chung là 90% thương mại.
- Thứ ba là quy định lộ trình cắt giảm thuế quan, khoảng thời gian cắt giảm thuế thường được kéo dài không quá 10 năm.
- Thứ tư là quy định về quy tắc xuất xứ.
Các nội dung khác đề cập tới vấn đề tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các biện pháp hạn chế định lượng, các rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, bảo hiểm và môi trường…
Có những loại hình FTA nào?
Hiện nay có một số loại FTA mà Việt Nam tham gia như sau:
- FTA khu vực: là FTA được ký giữa các nước trong cùng một tổ chức khu vực. Ví dụ AFTA.
- FTA song phương: được ký giữa 2 nước. Ví dụ như FTA giữa Việt Nam và Chi Lê..;
- FTA đa phương: được ký giữa nhiều đối tác khác nhau. Ví dụ như TPP…;
- FTA được ký giữa một tổ chức với một nước: ví dụ các FTA được ký giữa một bên là tổ chức ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Hay FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU.
Các nguyên tắc và định hướng của việc tham gia, đàm phán và ký kết các FTA?
Các nguyên tắc và định hướng của việc tham gia, đàm phán và ký kết các FTA được nêu tại “Chiến lược tham gia các FTA của Việt Nam đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 09/8/2012.
Theo đó, chúng ta tham gia đàm phán các FTA với các nguyên tắc chính bao gồm:
- Quán triệt các quan điểm chỉ đạo nêu trong các Nghị quyết, Chương trình hành động về hội nhập quốc tê nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.
- Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên và xét đến trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.
- Tính toán kỹ giữa mặt thuận lợi và không thuận lợi, thời cơ và thách thức, năng lực trong nước và quốc tế trong đàm phán để đảm bảo nếu ký kết sẽ đem lại lợi ích quốc gia cao nhất; tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 10 năm 2016 Việt Nam đã ký kết trên 10 FTA với nhiều tư cách khác nhau từ tư cách là thành viên ASEAN đến tư cách độc lập và thu về nhiều lợi ích về kinh tế cho nước nhà.
Ý kiến bạn đọc (0)