Blog

Mô hình kinh doanh OEM là gì? 4 chìa khóa mở cánh cửa OEM

372

Có ý tưởng kinh doanh tốt, nhưng làm thế nào có thể kết tinh ý tưởng thành lợi nhuận khi chi phí đầu tư ban đầu cho việc sản xuất sản phẩm thường rất lớn? Mô hình kinh doanh OEM (sản xuất theo thiết bị gốc) được xem là câu trả lời cho vấn đề trên.

OEM là gì?

OEM là từ viết tắt bằng tiếng Anh, có nghĩa là Original Equipment Manufacturer, dùng gọi nhà sản xuất thiết bị nguyên thủy. Để cụ thể chúng ta có thể tưởng tượng như sau: Một nhà sản xuất sản phẩm, mua phụ tùng , thiết bị của các công ty khác để gắn vào sản phẩm của chính họ, thí dụ nhà sản xuất máy tính xách tay, mua màn hình touchpad của một công ty khác để gắn vào máy tính của họ. Khi sản phẩm máy tính hoàn tất công ty này sẽ bán sản phẩm là máy tính xách tay dưới tên của họ. Theo đó, công ty sản xuất máy tính xách tay là OEM.

OEM thường được dùng để chỉ các công ty, công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác (chịu trách nhiệm phân phối). Một cách dễ hiểu hơn, công ty OEM sẽ sản xuất “hộ” cho công ty khác. Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.

Một ví dụ cho hình thức OEM đó là mối quan hệ giữa Apple và Foxconn trong sản xuất điện thoại Iphone. Trong đó Apple đóng vai trò khách hàng, đảm nhiệm việc nghiên cứu công nghệ và phân phối sản phẩm. Còn Foxconn là công ty OEM, sản xuất ra sản phẩm thực tế từ những khối nhôm đầu tiên.

4 chìa khóa mở cánh cửa OEM

Có 5 bước chính cho việc thực hiện một mô hình kinh doanh OEM.

  • Đầu tiên là phải có chiến lược kinh doanh, từ ý tưởng cho đến định hướng.
  • Thứ 2, có chiến lược định vị, xây dựng thương hiệu.
  • Thứ 3, chọn nhà sản xuất phù hợp.
  • Thứ 4, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
  • Cuối cùng là xây dựng hệ thống phân phối, vốn được đánh giá là xương sống của sự thành công.

Đối với nhà sản xuất, phải đạt được các tiêu chí như năng lực sản xuất cao, giá bán cạnh tranh, môi trường làm việc tốt. Còn đối với doanh nghiệp thực hiện OEM, cần phải nắm được công nghệ, công thức sản phẩm và am hiểu quy trình làm việc.

Làm thương hiệu là điều cần thiết đối với bất kỳ phương thức kinh doanh nào, nhưng ở mô hình OEM, yếu tố này đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Do vậy, nếu không phát triển tốt thương hiệu, người tiêu dùng sẽ không chọn sản phẩm đó. Ngay khi chất lượng sản phẩm không cao, việc xây dựng thương hiệu tốt cũng giúp tạo ra thị trường cho sản phẩm.

Masan Food, với các dòng sản phẩm như nước mắm, nước tương, mì gói, bột nêm, là một trong những doanh nghiệp đã làm tốt khâu này. Nhờ những chiến dịch quảng cáo, tiếp thị chuyên nghiệp, đặc biệt là chiêu thức đánh vào sự sợ hãi (nước tương không 3-MCPD, nước mắm không cặn, mì gói vì sức khỏe), Masan Food đã gây được tiếng vang lớn. Năm 2009, doanh thu của Công ty đạt gần 4.000 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này được thực hiện theo hình thức OEM. Ví dụ, nước mắm Chinsu có gốc từ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, sau đó được tái sản xuất theo công thức riêng.

Chìa khóa thứ 2 giúp bảo đảm thành công cho mô hình OEM là xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng. Do mô hình OEM là thuê ngoài sản xuất nên một khi không kiểm soát được chất lượng, việc gây dựng thương hiệu của doanh nghiệp có thể sẽ thất bại. Để xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng tốt, tất cả đều phải được sắp xếp và thực hiện theo quy trình, từ khâu ý tưởng đến triển khai kinh doanh. Đồng thời, phải có bộ phận thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Chìa khóa thứ 3 là chọn được nhà sản xuất thích hợp. Kinh nghiệm quản lý chất lượng của Công ty Đất Quảng cho thấy, đặt hàng là khâu quan trọng để khẳng định uy tín thương hiệu. Vì vậy, cần phải cân nhắc thật kỹ trong việc lựa chọn nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Chìa khóa cuối cùng là phải phát triển kinh doanh tốt, tức nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả. Thương hiệu điện thoại Q-mobile của Công ty Viễn Thông An Bình là một ví dụ. Tính năng và giá cả cạnh tranh là 2 ưu điểm của điện thoại Q-mobile khi chỉ cần khoảng 2 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại đầy đủ tính năng.

Ngoài ra, hệ thống phân phối khá sâu rộng trên 63 tỉnh, thành cũng là một yếu tố giúp Q-mobile thành công. Theo thống kê của Bộ Công Thương, cuối năm 2010, Q-mobile đã chiếm 11% thị trường điện thoại di động tại Việt Nam.

Sự thành công của một sản phẩm theo mô hình OEM là sự thống nhất giữa 4 yếu tố trên. Tuy nhiên, một doanh nghiệp muốn tiến hành OEM một cách hiệu quả thì cần phải phát triển theo dòng sản phẩm chủ đạo. Công ty Sản xuất Hàng gia dụng Quốc tế (ICP) được xem là khá thành công với dòng sản phẩm X-Men, nhưng lại thất bại với một số sản phẩm khác. Chẳng hạn như X-series, sản phẩm thời trang cao cấp được làm OEM ở Hồng Kông. Chỉ sau 1 năm ra mắt, ICP đã rút sản phẩm này ra khỏi thị trường. Vì sao?

Một doanh nhân mặc chiếc áo X-series đi vào công ty. Chiếc áo được nhiều nhân viên khen đẹp nhưng họ lại hỏi rằng, có phải là hàng khuyến mãi không. Có nghĩa là trong ý thức của nhiều người, áo X-series là hàng khuyến mãi của dầu gội dành cho nam X-Men. Và tất nhiên, vị doanh nhân đó không muốn mặc chiếc áo ấy nữa. Những thương hiệu lớn trên thế giới đều phát triển từ sản phẩm chủ đạo trước, sau đó mới phát triển dòng sản phẩm phụ trợ, nhưng ICP đã đi ngược lại. Levi’s (Mỹ), Calvin Klein (Mỹ) đều phát triển các dòng sản phẩm áo quần trước, sau đó mới đến sản phẩm đi kèm như thắt lưng, nước hoa, mắt kính. Masan Food cũng phát triển sản phẩm chủ đạo là nước tương trước, sau đó là nước mắm, tiếp đến là mì gói và bột nêm.

Về việc bảo vệ bí quyết công nghệ, đối với các doanh nghiệp đã từng làm OEM, đây là điều không khó. Để tạo ra một sản phẩm, doanh nghiệp cần nhiều nguyên liệu khác nhau với xuất xứ, thành phần, tỉ lệ khác nhau. Vì thế, nếu phân chia các công đoạn cho các nhà sản xuất thì bí quyết của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ.

Ưu điểm của chiến lược OEM đó là giúp cho các đối tác nhận được sản phẩm mà không cần phải xây dựng một nhà xưởng mới. Thông qua đó, chi phí sản xuất có thể giảm xuống. Tuy nhiên, các công ty này sẽ có khả năng tiếp cận với các tri thức, các kết quả nghiên cứu- R&D mà công ty khách hàng đang nắm giữ vì vậy vấn đề lựa chọn nhà sản xuất, nhà cung ứng đáng tin cậy luôn cần phải được đặt lên hàng đầu.

0 ( 0 bình chọn )

Trịnh Song Phúc

https://trinhsongphuc.com
Trinhsongphuc.com - Blog tổng hợp các kiến thức về MXH Facebook, Game và những thông tin bổ ích khác được biên tập bởi Trịnh Song Phúc

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm